Tây Nguyên – Kỳ I: Kontum & Cột Mốc Biên Giới 3 Nước

Mục tiêu chuyến đi lần này chính là trải nghiệm vùng đất đỏ bazan và điểm nhấn hấp dẫn nhất chính là nơi cột mốc biên giới của ba quốc gia Đông Dương: Việt Nam – Lào – Campuchia. Dù không phải là người săn mốc biên giới Việt Nam nhưng chúng tôi luôn có cảm tình với các cột mốc và cảm giác được đứng ở đường biên giữa các quốc gia luôn tạo được sự phấn khích nhất định. Bạn cũng nên thử cái cảm giác mà bước chân bên này là Việt Nam, và đi thêm 1 bước nữa thôi chúng ta đã lạc sang một vùng đất của quốc gia khác, nói cách khác là được “xuất ngoại”. Nhưng hãy nhớ là khi đến thăm các cột mốc biên giới các bạn nên làm thủ tục xin phép ở đồn biên phòng nhé, và thật ra khu vực biên giới thì thường nguy hiểm hơn là chúng ta thường thấy.

Ngày I: Buôn Mê Thuột – Buôn Hồ - Tp Pleiku – Tp Kontum – Ngọc Hồi (302km)

Ngày đầu tiên chúng tôi dành thời gian để chạy hết quãng đường hơn 300km với mong muốn sẽ đến được Ngọc Hồi hoặc Bờ Y vào buổi tối. Mục đích thì rất đơn giản: tiết kiệm thời gian cho ngày thứ hai và những ngày còn lại của chuyến đi.

Chuyến bay từ Nội Bài vào lúc 8h05 sáng ngày 2/3/2017 và hạ cánh ở sân bay Buôn Mê Thuột lúc 9h30. Sân bay Buôn Mê Thuột khá nhỏ nên chúng tôi có thể đi bộ từ nơi máy bay hạ cánh vô bên trong cảng hàng không trong 2 phút. Các bạn có thể tranh thủ dừng lại 1,2p ở đây để chụp ảnh kỷ niệm với hàng chữ “Cảng hàng không Buôn Mê Thuột” to đùng. Gió thổi lồng lộng và nắng chan hoà báo hiệu thời tiết tốt cho chuyến hành trình của chúng tôi (cũng phải thôi vì bây giờ là mùa khô trong này – và theo dự báo thì nguy cơ cháy rừng rất cao – và chúng tôi đã có cơ hội chứng thực về thời tiết Tây Nguyên vào ngày thứ 3 sẽ được đề cập đến sau :D). Sau khi ra khỏi cửa sân bay chúng tôi gọi ngay một chiếc taxi để vào thành phố Buôn Mê Thuột mà cụ thể hơn là đến điểm hẹn lấy xe máy đã đặt thuê ở gần Ngã Sáu thành phố. Mất khoảng 15 phút và 130k để vào đến trung tâm thành phố, chúng tôi tạm biệt anh taxi và làm thủ tục để thuê xe với giá đã thoả thuận trước là 110k/xe/ngày (chất lượng xe thì tôi sẽ bình luận sau nhưng đủ điều kiện để chạy với địa hình trong miền đất này).

Chúng tôi bắt đầu hành trình sau khi đã đổ đầy xăng cho 2 con chiến mã vào lúc 11h trưa. Vì thời gian đã gần trưa nên điểm đến đầu tiên là thị xã Buôn Hồ sẽ là nơi dừng chân nghỉ ăn trưa luôn. Con đường quốc lộ 14 nối liền 3 thành phố khá đẹp và mượt mà khiến cho thời gian chạy rất nhanh thêm vào địa hình bằng phẳng, đường nhựa và đôi lúc lên xuống như hình parabol sin-cos tạo cảm giác khá hay ho.

Via: Bmt47.com

Ra khỏi thành phố thì những vườn cà phê cùng vườn tiêu lác đác hiện ra. Ở đây thì cao su, cà phê, tiêu chính là đặc sản cho cảnh vật hai bên đường khi mà đi suốt cả quãng đường dài hơn 300km đâu đâu cũng thấy. Và chúng tôi đã thực hiện được mục đích thứ 2 của chuyến đi chính là được ngắm hoa cà phê trắng muốt bạt ngàn. Mùa hoa cà phê vào tầm cuối tháng 2 đầu tháng 3 hàng năm, và hoa chỉ nở 7-10 ngày sẽ bắt đầu tàn lụi kết quả. Vì thế trước chuyến đi tầm 2 tuần tôi nghe ngóng được hoa cà phê đã nở ở Daklak và Gia Lai nên hơi lo lắng đến lúc vào thì hoa đã tàn rồi. Nhưng sau đó thì nghĩ là mình chạy dọc 3 thành phố, thế nào chả có vườn nở vườn chưa, may mắn thì sẽ săn được thôi. Và chúng tôi thật sự đã được chạm vào những bông hoa cà phê nở rộ tươi mát của đất trời Tây Nguyên. Sau khoảng 20p chạy xe, chúng tôi bắt gặp một vườn hoa ven đường quốc lộ trải dài mấy trăm mét và quyết định vòng xe vào thăm. Hai bên con đường đất đỏ đang được làm là vườn cafe nở hoa trắng muốt có hương thoang thoảng nhẹ nhàng. Chúng tôi thích thú với những chùm hoa mọc dày đặc mang màu sắc trắng muốt mọc từ đầu đến giữa thân cành và lá cà phê xanh mướt thì rủ hết xuống để lộ ra những nhành hoa mà sau này sẽ kết thành các chùm quả cà phê.

Via: dulichvietnam.pro.vn

Rời vườn cafe, chúng tôi thẳng tiến tới thị xã Buôn Hồ (sau khi đã dừng thay lại chiếc gương xe bị gẫy ở gần cầu Hà Lan – 1 cái tên khá ấn tượng). Lúc đi đường cũng là lúc search quán ăn ở Buôn Hồ nhưng thật sự là quá ít thông tin mà chúng tôi tìm được, cũng như việc tìm quán ăn khi tới Buôn Hồ khá khó khăn (vì không muốn ăn bún miến phở mặc dù dọc đường quốc lộ có rất nhiều). Nổi tiếng ở thị xã Buôn Hồ là bánh canh Hà Lan nhưng nó không thuộc thị xã mà cách đó 7km nhưng đành bỏ qua vì chúng tôi vừa mới đi qua và quay lại thì rất mất thời gian. Cuối cùng, sau một hồi loanh quanh với cái bụng đói, chúng tôi quyết định nhảy vô quán cơm gà đặc biệt Phú Lai nằm ngay trên đường quốc lộ (đường Hùng Vương). Hoá ra đây lại là một quán cơm nổi tiếng và có review khá tốt. Đồ ăn cũng rất ngon, bắt mắt và hợp khẩu vị với người miền Bắc như chúng tôi (đồ khá cay nên lưu ý với những bạn không ăn được cay).

Via: Foody.vn

Cơm được chiên vàng giòn ăn với một phần tư con gà (gà ở đây khá bé) và có một đĩa rau kiểu salad được trộn nước chấm cay cay sệt sệt ăn kèm. Gà không được tẩm ướp trước mà chỉ luộc qua rồi cho vô chảo chiên cùng nước sốt là đã có một phần gà màu sắc hấp dẫn và vị ngon không kém. Giá: 50k/phần.

Sau khi ăn cơm nghỉ ngơi, 1h là thời điểm lý tưởng để chạy tiếp. Trên đường chúng tôi có ghé qua thêm một đồi cà phê và trồng tiêu xen lẫn, nhưng vườn cà phê ở đây đã tàn kha khá rồi nên không mất thời gian lâu chúng tôi lại tiếp tục chạy tới Phố Núi.

Phố núi Pleiku – đường đẹp + buồn ngủ và hậu quả là việc bị phạt tốc độ ☺

Nhắc lại một lần nữa, thời tiết thì khá là dễ chịu, có mây đen rải rác nên mặt trời không quá chói chang, nắng nhẹ và gió nhẹ, và đây là nguyên nhân khi ngồi sau xe máy thì các bạn biết rồi đấy, việc tất yếu là rất dễ buồn ngủ. Và đang trong lúc gà gật thì giật cả mình vì một anh áo vàng chặn đầu xe. Bing boong! Chúng tôi đã bị bắn tốc độ. Trước khi đi tôi đã được cảnh báo khá nhiều về việc xử phạt tốc độ ở Tây Nguyên, và cũng đã nhắc nhở xế là chú ý tốc độ khi chạy để khỏi bị phạt mất thời gian. Vì xe đi thuê nên chúng tôi chỉ có hợp đồng thuê xe mà không có giấy tờ, và vì vượt tốc độ cũng không quá cao (66km) nên sau khoảng 30p giải quyết cũng đã được cho đi, trong lúc chờ đợi các xế làm việc thì tôi và cô bạn cũng được dịp tán phét với hai anh công an khác, rằng lễ hội cà phê sắp diễn ra vào thời điểm nào, tổ chức ở đâu, rồi thì dé đắng không phải là cái gì lạ mà chính là phần ruột và lòng bò (Tây Nguyên có đặc sản lẩu dé đắng :D). Các anh bảo rằng chúng tôi vừa đi qua một cây cầu dài 2 bên là vực mà mọi người hay dừng lại chụp ảnh (thú thật mà nói thì lúc đó đang phiêu trên chín tầng mây rồi nên chả nhìn thấy cái cầu nào và dĩ nhiên là chúng tôi đã miss mất điểm này – nếu các bạn có cơ hội đi quãng đường này thì hãy chụp ảnh lại chia sẻ với chúng tôi nhé). Tại sao không để quay lại rồi chụp ư? Vì lúc về chúng tôi đã chọn một đường khác, mệt nhọc hơn nhưng nhiều trải nghiệm hơn rất nhiều.

Tiếp tục rong ruổi trên những con đường hình sin-cos cho tới khi mệt nhoài, chúng tôi chọn một quán nước có võng để nghỉ ngơi chừng 30p. Mặt trời đã ngả về Tây và chúng tôi hơi lo lắng về việc có đến được Bờ Y vào buổi tối hay không trong khi bây giờ đã là 4h chiều.Nhưng rồi với tâm lý xác định mệt ở đâu sẽ dừng lại nghỉ ở đó (vì đường quốc lộ nên chắc là không thiếu nhà nghỉ đâu), chúng tôi vẫn tiếp tục giữ tốc độ cho phép thẳng tiến tới đích. Có rất nhiều trạm công an giao thông trên đường, và chạy nhanh không phải là ý kiến hay lúc này dù thời gian không cho phép, nhưng may mắn vì đường đẹp nên chúng tôi không sợ chậm trễ thời gian là mấy.

Chúng tôi không dừng lại ở Pleiku vì sẽ có một buổi tối ở lại thành phố này trên đường quay lại, vì thế chỉ đi qua Phố Núi trên trục đường quốc lộ nhưng khá ấn tượng về thành phố đông đúc và nhộn nhịp này.

Kontum – Gỏi các loại lá và bữa nhậu no nê || đổi tay lái và việc chạy đêm

Tới Kontum vào lúc nhập nhoạng tối, chúng tôi phân vân không biết nên dừng lại ăn bữa tối trước khi chạy tiếp hay là đi thêm 20km nữa và sẽ ăn tối ở một thị trấn dọc đường. Nhưng rồi vì có một người bạn bản địa ở đây, chúng tôi quyết định sẽ ăn tối cùng với gia đình anh ấy ở quán gỏi lá Sức Sống mới (21, Trần Cao Vân, thành phố Kontum). Quán ăn có hai kiểu ngồi bàn và ngồi bệt cho khách lựa chọn với những món ăn đậm chất Tây Nguyên như cá lóc nướng muối ớt, gỏi lá, cháo cá lóc…

Gỏi lá gồm hơn 40 loại lá rừng có vị khác nhau, chua, ngọt, đắng… ăn kèm với mẻ nóng, thịt lợn, bì trộn thính và tôm đất. Khi ăn các bạn gói các loại lá theo kích thước to rồi bên trong bé dần, cho bì trộn thính vào giữa cuộn lại thành hình ống phễu rồi đổ mẻ vào trong, thêm thịt và tôm đất lên trên làm “topping” và chiến thôi. =P~ <Via: Vitravel.vn>

Chả ram tôm đất <Via: Opentour.vn>

Cháo cá lóc <Via: Vinababy.vn>

Bữa ăn kết thúc vào lúc 9h tối và chúng tôi chào từ biệt những người bạn ở Kontum, hẹn sẽ quay lại vào chiều mai nếu còn thời gian. Vì hai xế có chút men rượu trong máu và cũng hơi lo sợ vì thấy bạn bảo công an Gia Lai làm rất chặt 24/24, nên chúng tôi đổi xê, 2 ôm lên lái chờ các xế bay hơi ít bớt cồn trong máu. Và vì sắp khuya quá rồi nên không theo được dự tính là chạy đến Bờ Y, thay vào đó chúng tôi chọn địa điểm ở Ngọc Hồi (cách Bờ Y khoảng 20km). Buổi tối đầu tháng nên trăng không được sáng lắm, bù lại trời quang rất nhiều sao, nhưng chúng tôi cũng không có thời gian cho việc thả hồn vào từng hành tinh nhỏ trên bầu trời ấy vì còn phải tập trung lái xe đến điểm dừng, nếu không sẽ muộn mất. Đường nhựa rất đẹp nhưng không có đèn đường và xe đi phía ngược chiều thường không hay tắt đèn pha nên rất quáng và nguy hiểm. Xin nhắc là mỗi lần xe ngược chiều đến gần thì các bạn nên đi chậm lại nếu không sẽ không phân biệt được đâu là đường và đâu là bờ ruộng ☺. Khoảng 10h hơn sau quãng đường tối 60km, chúng tôi đã đến thị trấn Plei Kần và việc phải làm là tìm ngay một nhà nghỉ để dừng chân. Trên quốc lộ 14 đoàn chúng tôi thấy một nhà nghỉ ngay mặt đường và dừng lại hỏi với giá phòng 300k/4 người (2 giường đôi). Giá cả OK nên chúng tôi đồng ý nghỉ lại luôn. (Nhà nghỉ Hoàng Long 908 Hùng Vương để các bạn tham khảo địa chỉ). Trước cửa khách sạn có một chú chó cưng Sam (giống Samoyed) nhìn cưng hết nấc. Phòng khá sạch sẽ và nước nóng có ngay lập tức, chúng tôi làm các công tác vệ sinh cần thiết và ngả lưng thư giãn sau một ngày chạy xe miệt mài. Mọi người chìm vào giấc ngủ trong lúc mơ màng về cột mốc sẽ đến thăm vào ngày mai.

Ngày II: Ngọc Hồi – Bờ Y – Kontum – Pleiku (137km)

Bờ Y – Cửa khẩu và ngã ba Đông Dương

Những tia nắng chói chang của ngày mới lọt qua khe cửa phòng báo hiệu mặt trời đã lên cao, chúng tôi thức dậy, thực hiện các việc cần thiết rồi trả phòng và tìm một quán gần đó để ăn sáng. Đi quá lên ngã tư từ khách sạn rẽ trái vào đường Hai Bà Trưng các bạn sẽ thấy có một số quán ăn sáng bán bánh canh, mỳ, bún, phở khô… Chúng tôi chọn vào một quán có vẻ đông đúc người ăn (đối diện với shop quần áo số 3 đường Hai Bà Trưng). Hai tô bánh canh gạo và hai bát mỳ Quảng được đem ra nhanh chóng sau khi gọi, suất ăn cũng khá đầy đặn và ngon, phù hợp với giá tiền của nó (25k/bát). Các quán ăn ở đây đều có trà rất thơm để uống tráng miệng (hầu hết trong Nam đều có một bình trà và bạn có thể uống bao nhiêu cũng được mà không cần phải trả tiền như ngoài Bắc). Bữa sáng kết thúc cũng là lúc chúng tôi bắt đầu hành trình tìm đến cột mốc Bờ Y. Những rừng cao su trải dài từ quả đồi này sang quả đồi khác hai bên đường tạo nên cảnh vật đặc trưng của Tây Nguyên. Và hấp dẫn tầm mắt chúng tôi là một vườn cà phê trải dài rất rộng qua mấy khoảnh đồi, với những chùm hoa trắng muốt và nở rộ rực rỡ - đó là vườn cà phê nhiều hoa và tươi nhất mà chúng tôi thấy trên đường suốt hơn 300km. Tất nhiên là việc dừng lại vào thăm vườn sẽ là điều mà chúng tôi làm ngay lúc này. Bạn biết đấy, đặc sản của Tây Nguyên mỗi năm chỉ được ngắm vài ngày thôi mà.

 

Mất khoảng 30p để ghi lại những khung hình đẹp, chúng tôi tiếp tục thẳng tiến đến cửa khẩu Bờ Y. Mặt trời bắt đầu thiêu đốt mọi thứ dưới ánh sáng của nó, và nắng gió Tây Nguyên đã thể hiện như những gì nó thường được nhắc đến – cháy da cháy thịt. Tới gần cửa khẩu Bờ Y các bạn sẽ thấy có ngã ba và một tấm biển báo rẽ trái đi Campuchia, rẽ phải đi Lào. Rẽ theo bên phải các bạn sẽ thẳng tiến tới cửa khẩu quốc tế Bờ Y, còn bên trái cũng tới được cột mốc nhưng đi đường vào trong rừng. Chúng tôi chọn con đường đi qua cửa khẩu và vào đồn biên phòng xin phép luôn. Đi khoảng một đoạn nữa các bạn sẽ thấy có biển chỉ hướng lên đồn biên phòng nhưng thật ra không cần ghé lại đây, các bạn sẽ đăng ký thủ tục lên cột mốc ở một chỗ khác ngay dưới chân cột mốc ☺. Cứ thẳng tiến sẽ tới được cửa khẩu Bờ Y, bên trong có các cửa hàng miễn thuế, có đồ của Lào (đặc biệt là tông Lào), Campuchia, Trung Quốc và cả Thái Lan.

Cửa khẩu Bờ Y <Via: Foody.vn>

Chúng tôi không ghé vào bên trong cửa khẩu mà vòng qua nó, đằng sau có một trạm gác để quản lý việc xuất nhập cảnh, và có một biển chỉ dẫn rẽ trái để tới ngã ba Đông Dương.

Hai bên đường dẫn vào cột mốc là những hàng lau cao vút nở bung bông lau trắng muốt. Con đường khá nhỏ - có vẻ là đường tuần tra biên giới – uốn lượn vắt qua những quả đồi và kéo dài hơn 10km. Những đỉnh đồi cỏ cháy dần dần hiện ra trước mắt chúng tôi, cây dầu và cây sao được trồng trên sườn đồi thoai thoải, có vẻ như là bắt đầu phủ kín các quả đồi trọc. Tới chân cột mốc vẫn là con đường nhựa đẹp, lúc này chúng tôi thấy một ngôi chùa đang được xây dựng ở phía xa xa khi dừng chân đứng lại trước đồn biên phòng làm thủ tục. Bạn chỉ cần một chứng minh thư và khai báo số điện thoại + địa chỉ thường trú là xong. Sẽ có một anh bộ đội ghi lại các dữ liệu trên vào một quyển sổ và trả lại chứng minh thư cho bạn, sau đó bạn có thể tuỳ ý lên thăm cột mốc. Tôi đã hỏi anh bộ đội là tại sao lại phải làm việc này vì những tưởng rằng anh sẽ giữ chứng minh thư của tôi cho tới khi tôi quay lại từ cột mốc. Và câu trả lời khá đơn giản: Ghi lại nếu trong trường hợp người bị mất tích tại khu vực biên giới thì sẽ có thông tin để đi tìm ☺. Nghe tới đây thì cả nhóm cũng hơi rợn rợn vì vẫn biết là các khu vực biên giới thường không ổn định và nếu không cẩn thận sẽ có rắc rối to.

Thủ tục xong các bạn có thể phi xe máy lên tận trên đỉnh đồi, sẽ có biển chỉ dẫn đường lên cột mốc và dĩ nhiên là phải để xe ở lại vì leo bằng bậc thang (đừng lo vì bậc thang thật sự rất ngắn). Chỉ vài chục bước chân là bạn đã có thể chiêm ngưỡng cột mốc 3 mặt của 3 nước Đông Dương. Mỗi mặt cột mốc sẽ có phù hiệu và tên quốc gia hướng về phía quốc gia đó:

Cột mốc <Via: Panoramio.com>

Phía bên Việt Nam và Campuchia rất sạch và thoáng đãng, nhưng bậc thang bên Lào thì đã bị cây cỏ dại mọc chen lấn chỉ để ra một lối đi nhỏ. Chà, cứ tưởng tượng xem các bạn bước qua những bậc thang đó là đã sang nước bạn chơi rồi ☺.

Trời đã quá trưa và sau khi mất một đống thời gian chụp ảnh kỷ niệm với cột mốc ngã ba Đông Dương, chúng tôi quyết định quay lại Plei Kần để còn kịp về Kontum trước giờ cơm trưa. Hẹn một ngày sẽ trở lại nơi này nếu có dịp. Theo như anh bộ đội ở đồn biên phòng dưới chân cột mốc bảo thì chúng tôi có thể đi tiếp mà không cần quay lại đường cũ, nhưng có vẻ như đường đi tiếp thì rất bụi và xấu, nên chúng tôi quyết định quay lại lối cũ qua cửa khẩu Bờ Y. Trời nắng gắt và không có gì tuyệt vời hơn việc giải khát bằng một que kem ở quán nước đối diện cửa khẩu. Ở đây chúng tôi có gặp bác chủ quán là người Nam Định vào trong này sinh sống theo con cái (trong này chúng tôi gặp kha khá người Bắc vào làm kinh tế mới). Có nói chuyện một lúc với bác và hỏi về người dân tộc thiểu số ở đây, bác bảo rằng họ sống ở sâu bên trong rừng và thường không hay giao tiếp với mọi người, cũng giải đáp một số thắc mắc vụn vặt của chúng tôi như là gọi Bờ Y hay Pờ Y mới đúng (và thật ra thì nhà nước xây dựng đã lấy tên xã Bờ Y đặt cho cửa khẩu).

Tạm biệt bác chủ quán, chúng tôi chạy liền một mạch về Kontum. Dĩ nhiên, vụ bắn tốc độ hôm qua vẫn còn dư âm và lúc nào đoàn cũng chỉ đi với vận tốc trung bình 60km/h. Mặt trời lên quá đỉnh đầu và cái nắng trở lên gay gắt hơn bao giờ hết, dù đã bọc từ đầu đến chân những vẫn cảm giác được nắng thiêu bên ngoài lớp quần áo.

Kon Tum – Các công trình kiến trúc thiên chúa giáo và vị cà phê Gia Lai

Tới Kontum là lúc 1h kém. Và thật đen đủi cho chúng tôi khi mất hết 40p để tìm một quán ăn trưa. Lần theo những địa chỉ được review trên mạng, chúng tôi đã tìm đến quán vịt trộn ở chợ Kontum (thật không may, nó đóng cửa ngày hôm đó), hay loanh quanh tìm quán Mỳ A tỷ (cũng đóng cửa luôn) và một vài quán ăn khác có bánh bèo, bánh bột lọc… và không thể tìm ra quán nào trong số đó. Tới một ngã tư đường thấy biển bún thịt nướng là chúng tôi tạt ngay vào hy vọng cứu được cái bụng của mình.

Đã gần 2h chiều và quán vẫn còn bún thịt nướng với bánh cuốn để bán làm chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Bánh cuốn ở đây làm giống như nem cuốn chứ không phải là loại bánh cuốn tráng bằng gạo được hấp trên một miếng vải mỏng rồi cuốn lại như ngoài Bắc vẫn thường ăn.

Giá cho một bát bún thịt nướng là 15k và cuốn là 10k <Via: Nomnomcat.com>

Đồ ăn khá là ngon, cuốn chấm với mắm nêm và bún thịt đủ vị. Quán ở đầu đường Trần Phú đối diện với ngân hàng Agribank (số 88 Trần Phú). Bên cạnh quán là hàng nước nên chúng tôi đã gọi ngay một cốc sinh tố xoài và 3 đĩa vú sữa dầm, giá cho 1 đĩa là 15k, ăn rất ngon vì đang mùa vú sữa. Cốc sinh tố xoài khá ổn với giá 15k :v.

Các địa điểm thăm quan ở Kontum đều nằm trong thành phố và khá gần nhau (khoảng cách 1-2km). Điểm đầu tiên chính là toà giám mục Kontum, hay còn gọi là chủng viện thừa sai Kontum. Qua cánh cổng nhỏ rẽ phải sẽ là nơi các bạn để xe máy, sau đó dạo bước về phía toà nhà chính trên con đường hai hàng hoa sứ đang nở rộ là một khung cảnh tuyệt đẹp mà bất cứ ai cũng phải dừng lại giây lát để đắm chìm trong cảnh lãng mạn và hương hoa thơm dìu dịu. Ở đây các bạn sẽ có những shot hình cực kì đẹp như bên trời Âu, với lối kiến trúc phương Tây kết hợp với kiến trúc bản sắc dân tộc độc đáo, tin tôi đi.

<Via: Lendang.vn>

Rời toà giám mục thì phát hiện ra xe máy của tôi bị thủng săm. (hôm nay có lẽ không phải ngày tốt để xuất hành chăng?). Có ngay hai quán sửa xe cạnh đó nhưng chẳng quán nào chịu giúp chúng tôi thay săm, và chúng tôi bị từ chối ở quán thứ ba. Sau rốt cũng đã tìm được một quán sửa xe ở đường nhỏ nào đó mà tôi không nhớ tên và ơn trời là anh chủ chịu giúp tụi tôi thay săm xe. Khoảng 20p sau là con chiến mã lại sẵn sang để lên đường.

Đã 4h chiều nhưng trời vẫn còn khá nắng, chúng tôi lạc bước đến nhà thờ gỗ Kontum, một công trình kiến trúc công giáo khác làm hoàn toàn bằng gỗ và là địa điểm checkin nổi tiếng của giới trẻ nơi đây. Có một cặp đôi vào chụp ảnh cưới, 1 nhóm bạn vô đây tổ chức chơi trò chơi, xem ra cuộc sống ở Kontum khá êm đềm và yên bình. Nhà thờ gỗ quả là một nơi lý tưởng để tạo ra các bức ảnh “so deep” hay ho.

<Via: Halovietnam.vn>

Điểm đến cuối cùng là cầu treo vào nhà Rông Kon K’lor trước khi đến quán cà phê đã hẹn với anh bạn hôm qua.

Cầu treo Kon K’lor – cầu treo dài nhất Việt Nam <Via: Mapio.net>

Cầu treo bắc qua sông DakBla <Via: Margbangtam.blogspot.com>

Quán cà phê đã hẹn trước là Indochine Coffee nằm ngay cạnh cây cầu Đăkbla tiếp giáp cửa ngõ vào thành phố Kon tum, được thiết kế theo lối kiến trúc cột tre được uốn cong tạo thành mái và tường ngăn cách có không gian rất thoáng đãng mát mẻ. Đây là một trong những công trình được đề cử giải Building of the Year (2013) trên tạp chí ArchDaily.

 

Chân thành mà nói thì thái độ phục vụ của nhân viên ở đây không lịch sự một tẹo nào (mặt mũi rất khó chịu khi khách hỏi hoặc order đồ uống và trả lời một cách lạnh lùng). Nhưng bù lại cà phê ở đây thì rất ngon. Theo như xế của mình thì chưa từng uống một loại cà phê nào như ở đây mà sau khi uống xong lại có vị ngọt ở cổ giống hệt như uống trà mạn vậy.

Tạm biệt Kontum và những người bạn, chúng tôi lên đường với mong ngóng về kịp biển Hồ ngắm hoàng hôn lúc 5h chiều.

(còn tiếp…)

 

Tham gia Group Facebook của Cùng Trải Nghiệm để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích: Cộng đồng khách hàng Cùng Trải Nghiệm 

 

1 comment

KennethCor

продвижение в youtube

Để lại chú thích